Thương mại Kinh_tế_Đại_Việt_thời_Tây_Sơn

Nhà Tây Sơn có chủ trương thông thương, mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài từ khá sớm. Năm 1777, khi chính quyền Tây Sơn làm chủ hầu hết khu vực Đàng Trong, Nguyễn Nhạc đã tạo điều kiện cho các thương gia người Anh buôn bán trong vùng đất mà ông quản lý. Thể theo nguyện vọng của thương nhân Anh, Nguyễn Nhạc cho họ buôn bán cả vụ, chỉ cần trả một khoản thuế nhất định[1].

Ngoài Bắc, trung tâm buôn bán là Thăng Long, phía nam là kinh đô Phú Xuân. Phú Xuân trở thành nơi nhiều người dân đến tụ họp buôn bán, sầm uất hơn những nơi khác trong nước. Do chính sách cởi mở của Nguyễn Nhạc, nền kinh tế hàng hóa được kích thích phát triển, thương nhân các nước đến kinh doanh dễ dàng[1].

Sau ngày lên ngôi hoàng đế và quản lý cả khu vực Bắc Bộ, Quang Trung cũng bãi bỏ chính sách ức thương mà chính quyền Lê-Trịnh trước đây áp dụng để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đối tác lớn nhất khi đó vẫn như truyến thống là Trung Quốc[2].

Cuối năm 1789, Quang Trung đã viết thư sang đề nghị Càn Long cho mở cửa ải giữa Việt NamTrung Quốc để tiện cho việc đi lại buôn bán giữa nhân dân hai bên, cụ thể là mở chợ Bình Thủy ở trấn Cao Bằng, cửa ải Du Thôn ở Lạng Sơn. Ngoài ra, Quang Trung còn đề nghị rút miễn thuế buôn và lập nha hàng ở phủ Nam Ninh (Quảng Tây). Những đề nghị của Quang Trung được Càn Long chấp thuận[3]. Do đó, quan hệ giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.